21:08 ngày 23/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Yên Phong - Bắc Ninh: CSGT xử lý xe vi phạm có đúng quy trình?

09:52 24/04/2017

(THPL) - CSGT dừng xe, thông báo lỗi vi phạm nhưng lại không hề lập biên bản xử lý lỗi vi phạm, biên bản tạm giữ phương tiện. Phải chăng cách xử lý của CSGT huyện Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh đang đi ngược quy trình?

Sự việc diễn ra ngày 24/2/2017 khi Tổ tuần tra của đội cảnh sát giao thông (CSGT) huyện Yên Phong - Bắc Ninh xử lý người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm trên địa bàn huyện.

Khi đó, cháu T. đang là học sinh trường phổ thông trung học của huyện Yên Phong đang trên đường đi học về bằng xe máy điện nhưng không đội mũ bảo hiểm, Tổ tuần tra CSGT tiến hành dừng xe thông báo lỗi và yêu cầu xuất trình giấy tờ liên quan, nhưng vì chiếc xe máy điện này chưa đăng ký nên cháu T. không thế xuất trình đăng ký xe.

Cháu T. khẳng định CSGT huyện Yên Phong " không lập bất kỳ biên bản nào".

Ngay lập tức lực lượng CSGT Yên Phong đưa xe về đội, không hề lập biên bản giữ xe vi phạm, không có người làm chứng “Khi đó các chú CSGT dừng xe, thông báo lỗi vi phạm cho cháu, sau đó đưa thẳng xe cháu về đồn không lập bất kỳ biên bản nào” - Cháu T. cho biết.

Để có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này, PV Thương hiệu & Pháp luật đã làm việc với đội CSGT huyện Yên Phong, ông Trần Thế Hưng, đội trưởng xác nhận: “Tôi có nắm bắt được thông tin về vụ việc này, anh em có báo cáo lại sự việc và có tiến hành lập biên bản theo luật quy định là tạm giữ xe”.

Ông Trần Thế Hưng - đội trưởng CSGT huyện Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh .

Theo quy định, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép. Như vậy chiếc xe máy điện của cháu T đã bị giữ quá thời hạn nhưng phía CSGT Yên Phong không ra bất kỳ thông báo nào cho chủ phương tiện được biết để đến giải quyết, nộp phạt.

Giấy kiểm định xuất xưởng xe máy điện có số khung, số máy không được chấp nhận.

Khi PV đề nghị đội CSGT huyện Yên Phong cung cấp các thông tin liên quan đến vụ việc này như: biên bản tạm giữ phương tiện; lịch trình của tổ công tác... ông Trần Thế Hưng, đội trưởng CSGT viện lý do để từ chối: "Trong thời gian qua, CSGT của huyện Yên Phong phải xử lý quá nhiều trường hợp nên không thể cung cấp hồ sơ cho PV được (?). Đội phải xử lý quá nhiều trường hợp xe máy điện nên phải có thời gian mới tìm được hồ sơ của vụ này”.

Gia đình cháu T có giấy tờ chứng minh chiếc xe máy điện là của họ.

Để chứng minh gia đình cháu T là chủ sở hữu chiếc xe máy điện này, PV đã đưa ra giấy tờ mua bán của đại lý xe, giấy kiểm định chất lượng sản phấm xuất xưởng của nhà máy, số khung số máy nhưng ông Trần Thế Hưng lại không chấp nhận các giấy tờ liên quan với lý do “không khẳng định được về mặt pháp lý”. 

Khi những giấy tờ liên quan đến việc mua bán xe máy điện không được chấp nhận về mặt pháp lý thì không hiểu CSGT Yên Phong lấy cơ sở nào để tiến hành đăng ký xe máy điện theo quy định của pháp luật(?).

Ông Trần Thế Hưng: "Tôi xin mang chức danh đội trưởng để cam đoan, nếu làm sai tôi về vườn ngay".

Trong buổi trao đổi với PV, đội trưởng Trần Thế Hưng khẳng định tổ tuần tra của CSGT Yên Phong làm đúng quy trình: “Hiện tại chiếc xe máy điện hiện này đang ở bãi xe của đội, trong biên bản có ghi rõ về số khung,số máy. Tôi xin mang chức danh đội trưởng để cam đoan nếu làm sai tôi về vườn ngay”. PV đề nghị được xuống bãi tạm giữ xe vi phạm để có thể xác định được chiếc xe máy điện có ký hiệu 133s màu đỏ (chiếc xe của cháu T.). Qua rà soát, tại bãi tạm giữa xe của đội CSGT huyện Yên Phong thời điểm đó chỉ có 09 chiếc xe máy điện có cùng ký hiệu và màu sơn đỏ.

Chiếc xe máy điện hiện đang bị tạm giữ tại đội CSGT Yên Phong.

Như vậy thời gian để tìm hồ sơ và biên bản của những phương tiện vi phạm này rất đơn giản, nhưng không hiểu vì sao đội CSGT Yên Phong lại không thể tìm thấy được hồ sơ liên quan đến các phương tiện vi phạm của ngày 24/2/2017(?). Đội trưởng Trần Thế Hưng đề nghị 1 ngày để thu xếp tìm hồ sơ về vụ việc này, phải chăng lượng phương tiện vi phạm giao thông tại huyện Yên Phong quá lớn, hồ sơ nhiều đến nỗi phải huy động nhân lực để “tìm kiếm”.

Việc cảnh sát giao thông không giao cho người vi phạm giữ biên bản tạm giữ là trái với quy định của pháp luật. Điều đáng nói ở đây là quy trình xử lý của CSGT huyện Yên Phong không đúng với quy định của luật giao thông đường bộ. Theo quy định của pháp luật, biên bản tạm giữ phải được lập thành 2 bản, người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện giữ một bản, người vi phạm giữ 1 bản.

Dư luận đang đặt nghi ngờ, trong ngày 24/2, tổ tuần tra kiểm soát đội CSGT huyện Yên Phong có lập biên bản tạm giữ chiếc xe máy điện của cháu T. hay không?

Theo Điều 125 (Luật xử lý vi phạm hành chính) có quy định về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính:

“Mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm; trường hợp không xác định được người vi phạm, người vi phạm vắng mặt hoặc không ký thì phải có chữ ký của 02 người làm chứng. Biên bản phải được lập thành 02 bản, người có thẩm quyền tạm giữ giữ 01 bản, người vi phạm giữ 01 bản.”

Thương hiệu & Pháp Luật sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này, tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi để bảo mật thông tin.

Hữu Thuần - Văn Khê

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu