08:15 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

3 DN tham gia đấu thầu Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội

14:49 17/10/2018

(THPL) - Vinamilk cùng một công ty con của Tập đoàn TH và Công ty Thịnh Anh là 3 doanh nghiệp tham gia đấu thầu Chương trình Sữa học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020.

3 đơn vị tham gia đấu thầu

Ngày 10/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mở thầu Chương trình Sữa học đường. Theo đó, có 3 đơn vị chính thức tham gia đấu thầu là Công ty CP Thực phẩm sữa TH (TH Milk Food), Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty TNHH Thịnh Anh.

Hồ sơ sau khi đóng thầu sẽ được đánh giá, thẩm định chấm bởi một đơn vị tư vấn độc lập. Sau khi đóng thầu khoảng từ 20 đến 30 ngày, Hà Nội sẽ công bố đơn vị trúng thầu. Khi có thông tin chính thức về đơn vị trúng thầu, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố rộng rãi để học sinh, phụ huynh biết.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã bàn giao cho đơn vị tư vấn độc lập đánh giá, sau đó sẽ báo cáo cho chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn độc lập này do Sở thuê ngoài.

sữa học đường
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình Sữa học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Trong 3 đơn vị tham gia đấu thầu, ngoại trừ Thịnh Anh, Vinamilk và TH Milk Food là 2 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sữa hàng đầu Việt Nam.

TH Milk Food là một công ty con của Tập đoàn TH, được thành lập vào tháng 2/2009. TH Milk Food phát triển trang trại bò sữa và cung cấp nguyên liệu, hiện có vốn điều lệ là 3.800 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính năm 2016, doanh thu của TH Milk Food năm 2016 đạt 2.704 tỷ đồng, tăng 1,12% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế đạt 203 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2015. 

Vinamilk có vốn điều lệ 14.514 tỷ đồng. Doanh nghiệp có hệ thống 10 trang trại tại Việt Nam và tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty (bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết) đạt hơn 120.000 con, với sản lượng khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. 

Tính đến hết năm 2017, Vinamilk nắm giữ hơn 50% thị phần sữa nước, hơn 80% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% thị phần trong ngành hàng sữa bột tại Việt Nam. Doanh thu của Vinamilk năm 2017 đạt 51.041 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 10.287 tỷ đồng. 

Nhà thầu cuối cùng nộp hồ sơ tham dự gói thầu nói trên là Công ty TNHH Thịnh Anh. Công ty được thành lập vào tháng 5/1999 và hiện có vốn điều lệ 5 tỷ đồng. 

Theo giới chuyên môn, nhà thầu nào trúng gói thầu nêu trên đều có cơ hội mở rộng sản xuất, tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận và nâng cao vị thế, uy tín trong ngành. Cho dù nhà thầu nào trúng cũng cần có cam kết về chất lượng và tiến độ cung cấp sản phẩm bởi đó là gói thầu có quy mô rất lớn và phục vụ cho đối tượng khách hàng đặc biệt trong xã hội là các em học sinh. 

Những băn khoăn về chương trình Sữa học đường 

Chương trình Sữa học đường được HĐND thành phố Hà Nội thông qua nghị quyết từ ngày 5/7/2018. Đề án thực hiện theo quyết định số 1340 năm 2016 của Thủ tướng về chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Mục tiêu của chương trình là cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ mẫu giáo và tiểu học thông qua uống sữa hàng ngày. Trẻ sẽ uống sữa tươi tiệt trùng, có hoặc không đường, được Hà Nội đặt hàng làm riêng. Sữa bổ sung một số vi lượng, khoáng chất, không bán trên thị trường và có tem mác riêng. Đơn vị xây dựng tiêu chuẩn vi chất để bổ sung vào sữa cho học sinh Hà Nội là Viện Dinh dưỡng quốc gia. Cục vệ sinh An toàn thực phẩm, các chi cục của thành phố chịu trách nhiệm tiền kiểm, hậu kiểm và quản lý việc triển khai cung ứng sữa.

Mỗi trẻ mẫu giáo, tiểu học khi tham gia dự án sẽ được uống sữa 5 lần/tuần (mỗi ngày đến trường uống một lần), mỗi lần một hộp 180 ml. Việc này được duy trì suốt 9 tháng đến trường trong mỗi năm học của các em. Mức đóng góp cho chương trình sữa học đường là ngân sách 30%, doanh nghiệp hỗ trợ 20% và phụ huynh góp 50%.

Tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 1.290 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 890 tỷ đồng và phụ huynh đóng hơn 2.000 tỷ đồng. Chương trình sẽ được triển khai từ năm học 2018-2019 đến hết năm 2020 trên tinh thần tự nguyện tham gia của phụ huynh. 

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã công bố có 11 công ty sữa tham gia nộp hồ sơ dự thầu đề án chương trình sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020 tại Hà Nội. 

Đối với các em học sinh thuộc các gia đình chính sách sẽ được hỗ trợ 100%. Học sinh bình thường sẽ được trợ giá 50%, phụ huynh đóng góp 50%, giá tạm tính là 6.800 đồng/hộp. Đây là chương trình thực hiện theo chủ trương của Chính phủ. Bộ Y tế sẽ có quy định về sữa học đường, trong thành phần có thêm một số vi lượng và khoáng chất giúp trẻ trong độ tuổi nhằm tăng chiều cao, không giống sữa đang bán ngoài thị trường. Sở Y tế kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng sữa.

Còn theo PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến nghị, trẻ mầm non nên sử dụng 3 - 4 đơn vị sữa một ngày, trẻ 6 - 7 tuổi sử dụng 5 đơn vị sữa, trẻ 9 - 11 tuổi sử dụng 9 đơn vị sữa một ngày. Với trường nào có sẵn sữa sẽ chuyển đổi sữa đang có thành sữa chua hoặc phô mai. Chương trình sữa học đường không tăng thêm năng lượng để trẻ bị béo phì.

Dù chương trình có ý nghĩa nhân văn và mang tính tự nguyện nhưng nhiều phụ huynh vẫn đang rất băn khoăn và lo lắng chờ đợi các thông tin cụ thể về hãng sữa, thông số dinh dưỡng cụ thể của sữa, để quyết định việc có đăng ký cho con tham gia hay không.

Về phía các nhà trường cũng còn những lo lắng. Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) Chu Thị Thu Hương cho biết: Ðã có 70% số phụ huynh của trường tự nguyện đăng ký cho con em mình tham gia Chương trình Sữa học đường. Tuy nhiên, khi Chương trình triển khai, nhà trường sẽ gặp khó khăn trong quá trình bảo quản sữa và khó kiểm soát chất lượng sữa nếu nhìn bằng mắt thường.

Cùng lo lắng này, hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Long Biên chia sẻ: Việc bảo quản mấy nghìn hộp sữa không hề đơn giản đối với khả năng của nhà trường. Nhà trường sẽ vất vả hơn vì phát sinh nhiều công việc, như: nhận, bảo quản, cấp phát sữa hằng ngày cho các lớp, xử lý, thu gom vỏ hộp, vệ sinh trường học.

Nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng, vấn đề vận chuyển và bảo quản sữa của Chương trình Sữa học đường cần được quan tâm. Hiện, diện tích các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn thành phố còn hạn chế, việc bố trí phòng, nhiệt độ bảo quản và kệ để sữa theo đúng tiêu chuẩn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, chương trình cần chú trọng khâu kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai, có thể mời hội phụ huynh tham gia giám sát. Các ban, ngành liên quan cần nghiêm túc kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khâu lựa chọn đơn vị cung cấp sữa đến khâu vận chuyển để bảo đảm trẻ được uống sữa chất lượng và an toàn. Các trường cần tiến hành theo dõi các chỉ số phát triển về thể lực, chiều cao của trẻ để thấy được sự hiệu quả của chương trình...

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu